Lịch sử
Tác giả: Nguyễn Khắc Xương

Nữ tướng thời Trưng Vương

Chương 7: XUÂN NƯƠNG

Châu Đại Man là một châu lớn, đất có núi đồi sông bãi, dân có vùng thấp vùng cao. Vùng cao ở nhà sàn, cơm nấu trong ống tre, phóng tên săn thú, đốt rừng làm rẫy. Vùng bãi và đồng, cấy lúa nước, chăn tằm trồng dâu, quăng chài thả lưới. Chủ trưởng châu tên là Sát, dòng họ Hùng, lấy Đinh Thị Hiên Hoa là người đẹp ở rừng núi, con nhà lang có quyền thế trong châu. Hiên Hoa được Hùng Sát yêu quý, lập làm chính thất, bảy lần có mang đều sinh con giai, người nào cũng khỏe mạnh đẹp đẽ.

Năm ấy, nhân buổi trăng hè sáng tỏ, bà Hiên Hoa bảo các nữ hầu hát múa làm vui. Đinh Thị Hiên Hoa mặc áo mỏng, gõ phách hát theo các nữ tì rồi cùng uống rượu ăn bánh, vui chơi ở lầu cao phía Đông. Tới canh ba, hương hoa thơm ngát, gió mát hây hây thổi về, ánh trăng lấp lánh lá cành. Hiên Hoa tựa mình vào bao lơn thiu thiu ngủ ; Chợt một người con gái xinh xắn khoảng mười ba tuổi, mặc áo đỏ cài thoa vàng, cưỡi mây hồng, mây tía hạ xuống trước lầu. Hiên Hoa mừng rỡ ôm lấy người con gái, dồn dập mà rằng : " Em ở đâu lại đây, ở đâu lại đây ? Tốt thay ! Đẹp thay ". Người con gái mỉm cười nói : " Con được Trời cho xuống làm con phu nhân đấy ! " nói đoạn, ngoắt mình chạy đi ; Hiên Hoa vội đuổi theo chẳng ngờ bị vấp ngã, giật mình tỉnh giấc mới biết chỉ là mộng, tự nghĩ mình vì quá ao ước nên mộng thấy. Hay có thể ta cũng sẽ được một người con gái xinhh đẹp như trong mộng thật chăng ? Đang cơn bồi hồi nghĩ ngợi thì chủ trưởng đến lầu. Hiên Hoa đem câu chuyện mộng vừa qua kể lại với chồng. Ông chỉ cười, hai vợ chồng cùng tựa lầu ngắm trăng đón gió, truyền cho các thị nữ được lui về nghỉ.

Mồng hai tháng giêng năm Giáp Thìn, bà Hoa sinh được một gái, nhân đẻ vào mùa xuân, mới đặt tên con là Xuân, lại đặt hiệu là Hoa. Sinh con được một trăm ngày, Hiên Hoa mất. Vị chủ trưởng tìm người bế ẵm và cho Xuân bú sữa, nhưng Xuân không chịu bú một người nào, bố và các anh phải ép nước mía thay sữa bón cho Xuân. Tới khi đầy tuổi tôi, Xuân lại không chịu ăn cơm, chỉ thích củ mài và nước mía.

Họ Hùng giữ ngôi chủ trưởng châu Đại Man cha truyền con nối, có ân có uy, truyền tới Hùng Sát là đời chủ trưởng thứ mười, trong nhà có mười chiếc trống đồng của mười đời chủ trưởng. Hùng Sát tính nghiêm mà nhân, thường lo nghĩ việc nước, nung nấu mối thù giặc Hán cướp cơ nghiệp họ Hùng, căm giận Tô Định càng ngày càng hống hách tham tàn. Một hôm Hùng công cưỡi ngựa dạo chơi với người con giai trưởng là Hùng Thắng, nhân lúc vắng vẻ, bảo con rằng : " Ta có bảy con trai đều có khí phách anh hùng, con là trưởng con sẽ nối nghiệp cha mà cầm quyền ở châu. Con có muốn cúi đầu khép áo mãi mà thờ Tô Định chăng ? " Người con trưởng vòng tay xin cha chỉ bảo. Hùng công thong thả nói : " Tổ tiên xưa dựng nước biết bao khó nhọc, nay để dị chủng dày xéo giang san gấm vóc, thực đáng đau lòng. Ta già rồi, mỗi khi nghĩ tới lúc gặp gỡ tổ tiên không khỏi hổ thẹn. Đặng công Thi sách là huyện lệnh Chu Diên đất rộng dân đông, uy quyền lẫm liệt, chính là hào kiệt ở đời này. Người ấy có chí lớn xoay chuyển thời thế đấy, con hãy nhớ lấy ".

Được ít lâu sau, vào ngày mười hai tháng mười, Hùng công mất, con trưởng lên nối quyền, giao các em lĩnh chức thổ quan cùng trông nom đất đai của tổ phụ. Năm ấy Xuân nương mới mười ba tuổi.

Vị chủ trưởng mới thương dân lo việc, được các em kính phục vâng lời, dân chúng thuận theo. Hùng Thắng chăm sóc thương yêu Xuân nương quý em như vàng. Xuân nương càng lớn càng xinh, đàn hay vẽ đẹp, thông minh tuyệt vời, đọc sách chỉ một lượt là thuộc. Hùng Thắng thấy em nghiêm nghị đoan trang, ít cười ít nói, nghĩ rằng em buồn vì nỗi sớm mồ côi cả cha mẹ nên lại càng thương. Nhân nghĩ tới việc lớn, Hùng Thắng đem các môn võ nghệ cùng những cách bày binh bố trận truyền dạy cho Xuân nương, lại thường nói với các em rằng : " Múa giáo giương cung, luyện tập sĩ tốt, đó là việc của người hào kiệt buổi này ". Tới năm Xuân nương mười sáu tuổi, tưoi đẹp như đoá hoa hồng, đường cung mũi kiếm đều tinh thục thì Hùng Thắng bị Tô Định sát hại.

Nguyên là Hùng Thắng đã bí mật liên kết với Thi Sách huyện lệnh Chu Diên cùng mưu chống Tô Định. Thi Sách tiếp Hùng Thắng ở tư dinh cắn ngón tay rỏ máu vào chén rượu rồi chia đôi cùng uống, thề không đội trời cùng giặc Hán. Mọi viêc làm của Thi Sách bị Tô Định dò biết. Định thảm sát các người dự mưu với Thi Sách. Hùng Thắng bị Tô Định bắt, mắng chửi Tô Định cho tới lúc chết.

Bốn em trai của Hùng Thắng bị giặc bắt giết, chỉ có hai người trốn thoát được cùng Xuân nương. Ba anh em cùng bàn mưu kế, quyết không chịu thua Tô Định, phải trả món nợ máu cho anh em được ngậm cười nơi chín suối. Xuân nương khẳng khái nói : " Hai anh hãy tìm chốn ẩn mình chớ để giặc bắt được, hãy vào hang động như con cọp chờ lúc múa vuốt, hãy như con giao long ẩn mình nơi đầm hồ chờ lúc bay lên thét gió gào mưa. Nợ nước thù nhà, em xin cùng các anh gánh vác. Em là phận gái, giặc không để ý, lại ít ra ngoài không mấy người biết, có thể đi lại trong châu kết giao với các hào kiệt được ! ".

Xuân nương bèn cắt tóc, khoác áo nâu sòng, cải tên đổi họ, một chiếc tay nải bên vai, nay làng này mai làng khác, chú ý tìm những người có gan có chí để kết bạn cùng mưu việc báo quốc.

Có ngày Xuân nương cùng vài sư nữ trẻ tuổi đều là khách anh hùng đi tới trang Tuế Phong thấy một cảnh chùa hoang vắng ở bên trên gò cao, đứng sau chùa có thể nhìn thấy khúc sông quanh co uốn lượn, xung quanh chùa cây cối rậm rạp u tịch. Xuân nương nói với dân làng cho được ngụ lại chùa này để thắp hương niệm Phật. Cảnh chùa dần trở nên sầm uất, thiện nam tín nữ các nơi đến nghe giảng kinh, xin cúng giàng, làm chay, tuần rằm mồng một, những người có gan có chí cũng nhân đótìm đến gặp Xuân nương... Xuân nương dựa vào cửa thiền để kết giao hào kiệt.

Xuân nương xinh đẹp mà nghiêm trang, hay làm phúc, cứu giúp người nghèo, cưu mang kẻ khó, đức cao như núi rộng như biển không ai là không kính trọng. Xuân nương tuổi mới hai mươi mà ai khi gặp nàng, cũng chắp tay niệm nam mô, tôn xưng nàng là " mẹ ". Xem như vậy, ta cũng thấy được lòng dân quy thuận theo Xuân nương như thế nào.

Người các nơi mang thù với giặc theo Xuân nương lúc này đã tới trên một trăm, sớm tối ra vào cửa thiền giả cúng bái tụng kinh niệm phật để được Xuân nương chỉ bảo. Làng ở bãi gọi là trang là sách, làng ở núi gọi là động là mường lần lượt nhóm lên những nhóm nghĩa quân. Họ thường chờ lúc trời tối đêm khuya, thường tìm chốn hang sâu đồng vắng cùng nhau bàn bạc, cùng nhau luyện tập.

* * *

Trưng Nhị nương là em ruột Trưng nữõ chủ huyện Mê Linh, cùng với Trưng nữ chủ đứng lên tập hợp dân chúng Giao Châu chống Tô Định, giành lại nước. Trưng Nhị nương thân đến gặp Xuân nương, đưa hịch cứu nước cho xem, nói rằng : " Giao Châu đang rung chuyển, nhân dân khổ cực đã vùng dậy, ngày tận số của bọn thống trị dị tộc sắp tới ! Chúng ta không nên giấu mình kín tiếng nữa ! Nàng hãy nêu cao danh nghĩa của cha anh dựng cờ lớn, gióng trống chiêu binh, chờ lệnh cất quân đuổi giặc ". Lúc này, Nàng Nội châu Bạch Hạc vừa chém đầu Hoàng Sùng Chính lên cầm quyền trưởng châu. Tô Định bàng hoàng hoảng hốt như sét đánh bên tai. Nhân dân khắp nơi đều vui mừng hăng hái. Xuân nương biết thời cơ có thể đứng lên được, vâng lời Trưng Nhị nương, rồi tìm hai anh bàn việc khởi nghĩa.

Ngày mồng mười tháng giêng, Xuân nương họp trên một nghìn nghĩa binh ở Hương Nha, tế cờ điểm quân. Nữ chủ súy ngồi trên sạp cao, đầu bịt khăn vuông, mình mặc áo bào thêu chỉ vàng, chỉ bạc, chỉ tía, chỉ hồng là áo quý của các lang mường dâng, sau lưng có sáu nữ binh cầm gươm đứng hầu, uy nghi lộng lẫy như vầng mặt trời mọc. Nữ tướng tuyên đọc lời hịch của Trưng chúa kể tội giặc Hán tham tàn bạo ngược, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên đuổi giặc, đọc xong hịch liền phiên chế đội ngũ, cử các đầu lĩnh. Các mường vùng cao có bảy trăm ba mươi người về ứng nghĩa, Xuân nương chia làm mười bộ, mỗi bộ ba mươi sáu người và một quản bộ. Các quản bộ được gọi là thần quan, giao giữ các công việc như sau : thần quan coi việc cơm nước, thần quan coi việc sát sinh mổ trâu giết lợn, thần quan coi việc rượu, thần quan coi việc nhạc và múa, thần quan coi việc các đội tiền quân, hậu quân, hữu quân và một thần quan coi việc trung quân.

Quân chia 6 đội ; trung quân là nữ binh, tiền quân hậu quân, tả quân, hữu quân đều là nam binh. Quân cung thủ có một trăm hai mươi tay nỏ. Có một phó tướng đốc lĩnh cả bốn đội quân nam. Chức ấy Xuân nương giao cho anh thứ bảy của mình là Hùng Long, lại cử anh thứ sáu là Hùng Hoàn coi giữ việc quân lương và trông nom các trạng các động.

Dân chúng các nơi nô nức về dự hội. Người ở vùng cao mang mật ong, thịt hươu thịt nai, tên tẩm thuốc độc về, người ở bãi sông mang gạo, cá và muối đến. Các lang mường, trùm động, trưởng trang, người cưỡi ngựa, kẻ đi chân, mang trầu cau, khiêng trống chiêng gặp nhau đều vui mừng hớn hở.

Các thần quan ai lo việc nấy. Người coi rượu lấy ống bương múc rượu, tiện vầu, tiện nứa làm chén uống. Người coi cơm nước cho lấy tre đan thành phên, lót lá chuối lá ngô đồng mà bày thịt, gạo tẻ nấu bằng nồi đồng, gạo nếp nấu trong ống tre. Quân đánh trống lớn trống con, thổi kèn thổi sáo, gõ mõ gõ phách, cùng nhau múa hát diễn các trò vui. Dân Tiền Áo hai tay cầm mau co múa nhảy, gọi là múa Mo, dân động Cao nhún chân vẫy tay theo tiếng nhạc đồng, gọi là múa Gâu. Con gái kéo co bằng dây song, con trai đấu vật. Nơi cung sở của Xuân nương, trai gái vùng núi tới tung còn ca hát đối đáp nhau từng đôi một. Hội kéo dài tới nửa đêm, đuốc nhựa trám và bạch lạp cháy rừng rực tới gần sáng.

Xuân nương thiết lập dinh sở. Thượng cung là nơi nàng cùng với nữ binh nghỉ, hạ cung là nơi ở của thập bộ thần quan. Xung quanh dinh lập đồn trại cho tả, hữu, tiền, hậu bốn quân đóng giữ. Thượng cung làm trên một quả đồi cao hình con rùa, mé trước là ao bán nguyệt, mé sau có giếng đá nước trong leo lẻo mát lạnh, là nước mạch từ núi dẫn về. Xuân nương đóng ở đó, đưa lệnh chiêu quân đi các nơi, được hơn một nghìn người về ứng mộ. Ngày mồng ba tháng năm, Xuân nương làm lễ trước phần mộ cha anh rồi đưa quân lên đường. Trung quân có năm trăm nữ binh nai nịt gọn gàng tay khiên tay gươm. Quân cung thủ ba trăm, tên dài nỏ cứng. Tiền quân mang giáo, có búa có dao, hậu quân có ngựa có thuyền, tả quân mang đao vác mộc là quân các mường, hữu quân cầm mác đeo gươm là quân các sách. Ba nghìn nghĩa quân của Xuân nương hùng dũng hăng hái tiến về Hát Môn hội với anh hùng hào kiệt các nơi dưới cờ Trưng chúa. Trưng chúa và các tướng soái, các thủ lĩnh nghĩa quân đều khâm phục Xuân nương, binh oai hùng, tướng nghiêm trang, đội ngũ tề chỉnh. Trưng chúa phong cho Xuân nương là Thị nội tham tán quân cơ, giúp Trưng chúa bày mưu định kế, lo liệu các việc. Trưng chúa họp 6 vạn quân ở Hát Môn, tiếng chiêng tiếng trống vang trời, gươm giáo sáng choang, cờ xí chói mắt, nam binh nữ tốt lẫm liệt oai phong. Tế cờ xong, quân chuyển lên đường, chia các đạo tiến đánh giặc Hán, thế mạnh như bão đổ nước dâng, cờ chỉ tới đâu giặc tan tới đó.

Dẹp xong giặc nước, Vua Trưng phong Xuân nương làm Đông cung công chúa Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Sau lễ phong, Xuân nương được về nghỉ thăm mộ phần gia tiên và các nơi châu ấp.

Ngày mồng 5 tháng giêng, Đông cung công chúa về làng Nam Cường, mồng 8 đến trang Tiền Áo, mồng 9 về tới Hương Nha. Tới làng nào nhân dân cũng đều vui mừng quyến luyến. Ngày mồng mười tháng giêng Xuân nuơng tắm gội sớm rồi ra dự hội với dân chúng ở bến Lão Châu. Hội làng mừng Xuân nương có đánh vật, chọi gà, hát xướng, con trai mặc giả gái hát dâu bán tơ, con gái mặc giả trai mang cày vác bừa, hát với nhau rồi té nước vào nhau. Ngày hội ấy người các làng kéo về dự đông nườm nượp. Từ đó bến Lão Châu còn đuợc gọi là bến Đông. Xuân nương cho quân mổ trâu giết lợn, làm bánh dày cùng vui với các cụ phụ lão và dân chúng, nhân đó nói với các cụ rằng : " Dân ta đây trung hậu, phong tục thuần phác, thật đáng khen ". Nàng bàn với các cụ việc trồng dâu trồng chuối ở bên sông. Nghỉ lại vài ngày, Xuân nương về Huơng Nộn, ngày rằm làm lễ cúng Phật ở chùa, hôm sau thăm viếng phần mộ cha anh, rồi về triều bái mệnh.

Trong triều có tướng quân Đặng Thi Bằng lĩnh chức trưởng quản thủy quân các đạo. Là em ruột Thi Sách, ông góa vợ sớm, không có con. Tướng quân Đặng Thi Bằng được biết Xuân nương là nữ trung hào kiệt, có nghĩa khí thao lược, nhan sắc mặn mà, nên đem lòng yêu mến, mới tâu nhờ Vua Trưng nói giúp. Xuân nương nghe Vua Trưng làm mối cho Đặng tuớng quân, nàng vui lòng tuân lệnh. Từ đấy, trai trượng phu gái anh hùng sánh đôi như rồng sánh phượng, như quế sánh hồi, tình nghĩa mặn nồng đằm thắm.

* * *

Khi giặc xâm chiếm lại Giao Châu, Mã Viện cho một đạo tiến theo sông Thao do tướng Lưu Long đốc lĩnh, lần lượt phá vỡ các đồn trại trên tuyến của ta ở bên sông. Tình thế quân ta lúc đó trăm phần nguy cấp. Trương vương truyền lệnh cho Xuân nương cùng với Thi Bằng về lập phòng tuyến cự địch ngay ở nơi thực ấp của Xuân nương. Đấy là phòng tuyến cuối cùng bảo vệ cho đạo quân Nàng Nội đóng ở Bạch Hạc. Hai vợ chồng Xuân nương ra sức chống đỡ, mặt thủy có Thi Bằng, mặt bộ có Xuân nương. Hai bên giao chiến bảy ngày liền giặc vẫn chưa phá vỡ được phòng tuyến quân ta. Ngày mười ba tháng hai, giặc vây Thi Bằng ở bến sông. Quân giặc ùn ùn kéo đến khép kín bốn mặt. Thi Bằng múa đao tả xung hữu đột hồi lâu, nhỡ tay đánh rơi đao liền bị tướng giặc thúc ngựa sát tới đâm một giáo giữa bụng. Tướng quân Thi Bằng kêu to một tiếng, ngã ngay trước trận tiền. Xuân nương được tin chồng bị vây, vội lên ngựa, hai tay hai kiếm cùng thập bộ thần quan thẳng tới trận tiền. Nàng ra ra vào vào bốn năm lượt, chém rụng đầu mười viên tướng giặc mà vẫn không phá nổi vòng vây. Giặc đông như kiến, lớp này giãn ra lớp khác xông vào. Có tin tướng quân Thi Bằng đã bị giết hại, quân ta bối rối nao núng bị giặc đánh tan tác. Xuân nương cùng vài nữ tốt lúc đó đều mặc nam trang đứng giữa vòng vây cự giặc. Đánh từ sánh tới trưa, mặt trời đã đứng bóng, Xuân nương thấy bụng đau như thắt, chân tay bủn rủn, biết là động thai, cố sức chống đỡ che chỡ cho cái thai 5 tháng nằm trong bụng. Các nữ tốt đều bị tử thương. Xuân nương, vừa đau vừa mệt, ngựa sùi bọt mép, người đổ mồ hôi, áo giáp bị một mũi giáo đâm rách...Giặc Hán biết là tướng bà, reo ầm lên, liền cởi ngay áo, người để trần, xông vào bắt. Xuân nương thấy quân giặc hò hét nhảy nhót như lũ quỷ điên dại, vừa giận vừa thẹn, má đỏ bừng, lỡ tay rơi cả hai kiếm, vội thúc ngựa chạy. Tướng giặc đuổi theo. Xuân nương giật được một lưỡi dao của giặc, kìm ngựa quay ngoắt mình lại, đầu tướng Hán rơi như một quả chín nẫu rụng khỏi cành. Quất ngựa chạy được một quãng vẫn chưa thoát được vòng vây, Xuân nương lại bị giặc phóng một mũi kích vào sườn, máu đổ ra như suối. Lúc ấy các thần quan chạy tới cố sức xông pha cứu nguy cho chủ tướng mới đưa được Xuân nương ra khỏi vòng vây. Quân giặc bị đánh lui.

Xuân nương xuống ngựa nằm gục ở bến Nam Cường, đau không dậy được, nước mắt ướt đầm cả mặt, khóc chồng, thương hòn máu đỏ nằm trong bụng. Các gia thần và nhân dân vực Xuân nương dậy, nịt thuốc vào các vết thương, dâng cơm nước. Xuân nương nghỉ ngơi được một lúc, giặc lại ồ ạt kéo đến vây khắp trước sau. Xuân nương lên ngựa cùng các tướng vừa đánh vừa rút về cung sở ở Hương Nha. Xuân nương đi tới đâu, máu rỏ ra tới đó, máu theo dấu chân ngựa rải khắp dọc đường. Tới Hương Nha, các tướng cố sức đánh lui quân giặc, nghiêm phòng cẩn mật, người không cởi giáp, ngựa không tháo yên. Xuân nương nghỉ được một đêm. Hôm sau, giặc lại kéo đến nhưng các tướng giữ vững thành lũy, giặc không phá nổi.

Hôm ấy, ngày mười lăm tháng hai, buổi chiều, Xuân nương cho làm một cỗ chay cáo tế trời đất, cúng cha anh và cúng chồng rồi lui về nghỉ. Buổi tối, Xuân nương gọi các gia thần, nữ tốt vào cung dặn dò mọi việc. Tới đêm, Xuân nương lấy ngựa một mình ra đi, nhằm phía làng Hương Nộn lần bước. Mưa rơi như roi quất, chớp giật, sấm rền, Xuân nương bụng đau âm ỉ, các vết thương ngấm nước nhức nhối, tránh các nơi giặc đóng, vừa đi vừa nghỉ. Nàng ngồi trên một hòn đá lớn ở Tiền Áo một lúc, khi đứng dậy hòn đá ướt đẫm máu. Xuân nương lại gắng gượng lên ngựa, vượt gió mưa về tới Hương Nộn. Tới đây, Xuân nương thả ngựa, lần tới cửa chùa, ngồi nghỉ một lúc rồi lần trước khắp sau chùa, bồi hồi tưởng nhớ. Lần tới bờ sông Xuân nương tự nói : " Ta không muốn tử tiết ở nơi cung sở để xác lọt được vào tay giặc và làm tan rã chí ba quân. Nay sức ta đã hết, xin một chết để báo ơn vua đền nợ nước. Hồn ta muôn đời không tan, nguyện sẽ phù hộ cho dân cho nước ". Nói đoạn nàng gieo mình xuống dòng sông Thao cuồn cuộn trôi... (1)

Chú thích:

(1) - Nơi Xuân nương gieo mình, theo truyền thuyết, hôm sau mối đùn lên thành gò, nhân dân gọi đấy là mộ Xuân nương. Năm ngày sau khi Xuân nương tử tiết, ngày 20 tháng hai, đồn trại Hương Nha bị giặc phá, các thần quan đều tử tiết.

Châu Đại Man gồm các miền rừng núi đồng bãi thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Cẩm Khê, ngày nay.

Dọc đường quốc lộ từ bến đò Ngọc Tháp (Phú Thọ) tới bến Trung Hà, các xã Hương Nha, Vực Trường, Thanh Uyên, Tam Cường, Cổ Tiết, Hương Nộn, đều có thờ Xuân nương. Theo các cụ ở địa phương thì các đền miếu này xây dựng trên dấu máu những nơi nàng Xuân đánh với Mã Viện trong trận cuối cùng của đời nàng.

Chùa ở Hương Nộn nói trong truyền thuyết trên là chùa Khánh Long tự dựng ở mõm cao bên sông Thao gọi là Phác Sơn, thuộc xã Hương Nộn trước gọi là hương Tuế Phong, cũng gọi là Kẻ Xoan. Các xã Thanh Uyên (gồm Tiền Áo, Giá Áo, Nam Cường), Tam Cường và Hương Nha là khu vực chiến trường Xuân nương và Thi Bằng đánh nhau với quân Hán.

Miếu thờ Xuân nương ở Hương Nha có hai câu đối như sau :

" Yểu điệu phù Trưng trung quán nhật "

" Quật cường cự Hán tiết lăng sương ".

(Đại ý : Người yểu điệu phù vua Trưng, lòng trung tranh sáng với mặt trời. Quật cường cự với giặc Hán, khí tiết thắng cả thời gian).

2 - " Anh kiệt vô song, vạn cổ thanh danh lưu nữ sử "

" Quân thần câu hoá, nhất không trung nghĩa tối thanh thiên ".

(Đại ý : Anh kiệt không hai, danh tiếng ngàn đời lưu vào sử sách những người con gái. Vua tôi cùng mất lòng trung nghĩa làm trời xanh vằng vặc cũng không bằng).

Nói riêng về tục lệ cầu tế ở xã Hương Nha : mọi lễ dâng Xuân nương đều làm cỗ chay, có bánh dày, mật mía và củ mài. Các lễ tế mười vị thần quan và quân sĩ đều mỗ trâu, nồi da nấu thịt, cỗ bày trên mâm tre đan lót lá chuối, lá ngõa, lá ngô đồng. Ngày tiệc, mở hội ở bến Lão Châu tức bến Đông, có trò trình nghề (rước các nghề nghiệp), cày bừa té nước vào nhau (diễn xướng lễ nghi nông nghiệp) hái dâu, bán kén, chọi gà, đánh vật, kéo quân, trai gái hát đối đáp.

Ở xã Hương Nộn, ngày cầu Xuân nương, các phường xoan Kim Dức và An Thái (Phù Ninh) sang hát chầu theo tục lệ, hát từ chập tối tới gà gáy sáng và liền trong ba ngày. Trong các buổi hát thờ ấy, trước bàn thờ Xuân nương có sáu người con gái xinh đẹp chưa chồng, mặc quần áo xanh đỏ, chít chăn chéo hai bên sườn, cầm kiếm và hộp trầu, đứng nghiêm suốt buổi lễ. Miếu Hương Nộn cho tới kháng chiến chống Pháp còn một bức tranh thờ vẽ Xuân nương ngồi giữa, sau lưng có sáu nữ tốt cầm kiếm đứng hầu, xung quanh là cây cảnh và các nam binh nữ tốt. Tranh ấy nay đã mất.

Dân địa phương kiêng tiếng Xuân, tiếng ả, tiếng nương, và các tiếng Hiên, Hoa là tên mẹ Xuân nương, tiếng Sát là tên bố Xuân nương.

Theo thần tích ở Hương Nha, khi quan thái thú Lê Thiện là tướng của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đem quân đánh giặc Minh có qua đây đêm mộng thấy Xuân nương hiện lên cho biết sẽ âm phù cho nghĩa quân thắng giặc. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ có phong sắc cho Xuân nương là " Đệ bát vị Đông cung công chúa Xuân nương ", phong cho các thập bộ thần quan là đại vương, giao cho dân sở tại tu sửa đền miếu hương khói đời đời. Phong Xuân nương là " Đệ bát vị " vì nàng là con thứ tám.

Hết Chương 7: XUÂN NƯƠNG
Thông tin sách